Thứ Hai, 19 tháng 1, 2015

THAY ĐỔI LỐI SỐNG CÓ THỂ CẢI THIỆN CHẤT LƯỢNG TINH TRÙNG - MỘT SỐ NGHIÊN CỨU MỚI


Một nghiên cứu vừa được đăng vào tháng 6 năm 2014 trên tạp chí Human reproduction cho thấy nam giới có thể cải thiện hình dạng của tinh trùng của mình qua việc thay đổi một số thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Hình dạng của tinh trùng cùng với số lượng và độ di động của tinh trùng phản ánh tình trạng sinh sản của người nam giới. Những yếu tố đó cho biết khả năng tinh trùng có thể sống, di chuyển được trong đường sinh dục nữ để tìm đến vị trí có thể thụ tinh với noãn cũng như khả năng có thể thụ tinh với noãn.

Các nhà nghiên cứu ở Anh đã tiến hành khảo sát trên những người đàn ông về chất lượng tinh trùng cũng như các thói quen trong sinh hoạt của họ. Qua khảo sát, các nhà nghiên cứu thu thập được thông tin của 318 người đàn ông có hình dạng tinh trùng bất thường và 1.652 người đàn ông có hình dạng tinh trùng bình thường. Mẩu tinh trùng được đánh giá là có hình dạng bất thường khi những tinh trùng có hình dạng bình thường chiếm ít hơn 4% tổng số tinh trùng trong mẩu (Theo tiêu chuẩn WHO 2010).

Kết quả của nghiên cứu cho thấy các yếu tố làm giảm hình dạng bình thường của tinh trùng là: lấy mẩu vào mùa hè (OR=1.99, 95% CI 1.43 – 2.72); người đàn ông ≤ 30 tuổi, có sử dụng bồ đà trong vòng 3 tháng trước khi lấy mẩu (OR = 1.94, 95% CI 1.05–3.60).

Tuy nhiên, kết quả của nghiên cứu cũng ghi nhận rằng các thói quen như hút thuốc lá, uống rượu bia, chỉ số khối cơ thể (BMI) hầu như không ảnh hưởng đến tình trạng của tinh trùng. Do đó, việc trì hoãn điều trị hiếm muộn để chờ đợi chất lượng tinh trùng được cải thiện nhờ các biện pháp thay đổi thói quen sinh hầu như không cần thiết. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý thêm việc tư vấn bệnh nhân xây dựng một lối sống lành mạnh như hạn chế rượu bia, thuốc lá, tránh tình trạng thừa cân, béo phì là cần thiết vì nó sẽ giúp họ có một sức khỏe tốt hơn.

Kết luận của nghiên cứu là có giá trị nhưng cũng cần được xem xét thêm vì những yếu tố có thể gây sai lệch kết quả khi thực hiện nghiên cứu. 2 trong 5 người đã từ chối khi được mời tham gia nghiên cứu, có thể những người đó không muốn những nhà nghiên cứu biết những thói quen sinh hoạt của mình, đây có thể là một yếu tố làm nghiên cứu chưa tìm được nhiều những thói quen sinh hoạt ảnh hưởng chất lượng tinh trùng.

Cũng bàn về vấn đề này, một nghiên cứu mới hơn vừa được đăng trên tạp chí Fertility and Sterility số 102, tháng 11 năm 2014  đã cho thấy việc tăng BMI có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng ở nam giới.

Đây là một nghiên cứu lớn với cỡ mẫu 10.665 người đàn ông từ các cặp vợ chồng đến các trung tâm điều trị hiếm muộn khám vì bất kỳ nguyên nhân vô sinh nào.

Kết quả của nghiên cứu ghi nhận mối tương quan của tình trạng thừa cân, béo phì và chất lượng tinh trùng. Các yếu tố đánh giá chất lượng tinh trùng thay đổi theo hướng xấu hơn khi BMI tăng dần từ nhóm bình thường (BMI= 20 – 25 kg/m2) đến nhóm béo phì nặng (BMI>40 kg/m2): thể tích tinh dịch giảm từ 3.3±1.6 xuống 2.7±1.6mL; mật độ tinh trùng giảm từ 56.4±54.9 xuống 39.4±51.0 triệu con/mL, tổng số tinh trùng giảm từ  171±170 xuống 92±95 triệu con), và độ di động tiến tới giảm từ 36.9±16.8% xuống 34.7±17.1%). Tình trạng bất thường nặng của tinh trùng cũng tăng lên như tình trạng vô tinh tăng từ 1.9 lên 9.1%, tình trạng ẩn tinh tăng từ 4.7 lên 15.2%. Tuy nhiên, các yếu tố khác, quan trọng nhất là hình dạng bình thường của tinh trùng không bị ảnh hưởng bởi việc tăng BMI.

Từ những kết quả của các nghiên cứu trên,  các bác sỹ điều trị trong lãnh vực hiếm muộn có thể có thêm thông tin về ảnh hưởng của lối sống với tình trạng vô sinh để tư vấn cho bệnh nhân của mình từ đó lên kế hoạch điều trị hiệu quả nhất cho từng nhóm bệnh nhân cụ thể để đạt được kết quả điều trị khả quan nhất.

Nguồn:
1. Modifiable and non-modifiable risk factors for poor sperm morphology. Hum. Reprod. first published online June 4, 2014
2. High body mass index has a deleterious effect on semen parameters except morphology: results from a large cohort study. Fertility and Sterility® Vol. 102, No. 5, November 2014 0015-0282

BS. Lê Văn Khánh
Nguồn: hosrem.org.vn