TÁC DỤNG PHỤ CỦA GONADOTROPINS

Một số thuốc có chứa gonadotropin hiện đang được sử dụng trong kích thích buồng trứng để TTTON hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung: Gonal-F ®, Puregon®, Follitrope®, Menopur®, IVF-M®,…Các loại thuốc này có chứa FSH (follicle stimulation hormone) và một số thuốc có chứa cả FSH và LH (Luteinizing hormone). Thông thường, thuốc được tiêm từ 8 – 12 ngày để kích thích sự phát triển nang noãn. Khi nang noãn đủ trưởng thành, hCG hoặc các chất thay thế có thể được dùng để kích thích trưởng thành noãn sau cùng.
Có một số tác dụng phụ của thuốc được quan tâm
Hội chứng quá kích buồng trứng
Hội chứng quá kích buồng trứng (HCQKBT) là một biến chứng của kích thích buồng trứng, trong đó, HCQKBT nặng xảy ra với tần suất khoảng 1% các chu kỳ bơm tinh trùng vào buồng tử cung và từ 0,5-5% chu kỳ TTTON.
Các triệu chứng của HCQKBT thường xuất hiện từ 3 đến 6 ngày sau khi tiêm hCG. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, triệu chứng cũng có thể xuất hiện muộn hơn. Triệu chứng của HCQKBT bao gồm: căng bụng, đau bụng, buồn nôn và nôn, lượng nước tiểu giảm, khó thở, phù và tăng cân. Tình trạng có thai của bệnh nhân có thể làm cho HCQKBT kéo dài và trầm trọng hơn.
Cách dự phòng HCQKBT tốt nhất là hủy chu kỳ ở những bệnh nhân có nguy cơ cao. Ngoài ra, còn những biện pháp khác như ngưng thuốc cho đến khi nồng độ estradiol trong máu giảm, sử dụng Carbegoline, truyền albumin hay sử dụng GnRH đồng vận để kích thích trưởng thành noãn thay cho hCG,…
Đa thai
Tỉ lệ đa thai sau khi sử dụng gonadotropin khoảng 20%, trong đó đa số là song thai, một số trường hợp là tam thai hay nhiều hơn. Đa thai làm tăng nguy cơ sẩy thai, sanh non, thai bất thường, các biến chứng thai kỳ như cao huyết áp, ra huyết,…
Thai ngoài tử cung
Tỉ lệ thai ngoài tử cung trong các chu kỳ sử dụng gonadotropin từ 1-3%. Thai ngoài tử cung có thể được điều trị bằng phẫu thuật hay nội khoa. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể vừa có thai trong tử cung và thai ngoài tử cung khi được điều trị với gonadotropin.
Dị tật thai
Tần suất dị tật của thai sau khi sử dụng gonadotropin không cao hơn so với dân số chung, chiếm khoảng 2-3%.
Xoắn buồng trứng
Một số ít trường hợp bệnh nhân có buồng trứng to do kích thích buồng trứng với gonadotropin có thể bị xoắn. Biến chứng này cần được giải quyết bằng phẫu thuật để tháo xoắn hay cắt bỏ buồng trứng. Để dự phòng, bệnh nhân không nên có hoạt động thể lực mạnh từ ngày 7 của sử dụng gonadotropin cho đến khi có bằng chứng siêu âm cho thấy buồng trứng đã trở về kích thước bình thường.
Gonadotropin và ung thư buồng trứng
Nguy cơ ung thư buồng trứng có liên quan một phần đến số lần người phụ nữ phóng noãn. Hiếm muộn làm tăng nguy cơ và sử dụng viên tránh thai làm giảm nguy cơ này xuống. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều tranh cãi về mối liên quan giữa các thuốc kích thích buồng trứng như gonadotropin và nguy cơ ung thư buồng trứng.

IVFMD - Đơn vị hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức