Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

TINH TRÙNG ĐẦU TRÒN - GLOBOZOOSPERMIA

Globozoospermia
Tinh trùng đầu tròn, “round-headed sperm”, (thuật ngữ chuyên môn gọi là globozoospermia) là bất thường về hình dạng tinh trùng hiếm gặp ở nam giới, chiếm tỉ lệ thấp hơn 0,1%. Gần đây, các nhà khoa học trên thế giới đã phát hiện ra nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là đột biến gen DPY19L2. Bất thường này thường đi kèm với mức độ phân mảnh ADN tinh trùng nặng (DNA fragmentation).
Ảnh minh họa
Khó khăn khi có con tự nhiên và biện pháp điều trị cổ điển
Tinh trùng này không có khả năng thụ tinh tự nhiên với noãn do thiếu cực đầu và men acrosin để giúp tinh trùng đi xuyên qua màng bào vệ noãn và thụ tinh noãn. Do đó, kỹ thuật đơn giản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hay TTTON cổ điển cũng không có hiệu quả do tinh trùng không thể tự thụ tinh noãn.

Khó khăn khi thực hiện tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI)
Để điều trị trường hợp này cần thực hiện kỹ thuật TTTON kết hợp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). Tuy nhiên, mặc dù đã tiêm tinh trùng đầu tròn trực tiếp vào noãn, tỉ lệ noãn thụ tinh vẫn thấp và tỉ lệ có thai thấp. Các nhà khoa học cho rằng lý do là tinh trùng đầu tròn thiếu những yếu tố có nhiệm vụ kích hoạt sự phát triển của noãn và phôi, đồng thời tinh trùng còn bị tình trạng phân mảnh ADN. Do đó, các báo cáo trước đây trên thế giới đều cho thấy kết quả ICSI với tinh trùng đầu tròn cho tỉ lệ thụ tinh thấp, tỉ lệ có thai rất thấp, đa số không có thai hoặc sẩy thai sớm. 

Biện pháp cải thiện kết quả điều trị ICSI với tinh trùng đầu tròn
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều báo cáo trên thế giới cho thấy áp dụng ICSI kết hợp với kỹ thuật hỗ trợ hoạt hóa noãn (AOA) bằng calcium ionophore, tỉ lệ thụ tinh, tỉ lệ có thai cải thiện đang kể và tỉ lệ sẩy thai giảm, khi điều trị cho các trường hợp thất bại với tinh trùng đầu tròn. Hiện nay, kỹ thuật AOA đây được xem là biện pháp điều trị hiệu quả cho các trường hợp tinh trùng đầu tròn.
Trường hợp thành công với điều trị cho tinh trùng đầu tròn và kết quả là em bé sinh ra khỏe mạnh đầu tiên ở Việt Nam vừa được công bố (9/2014) là một trường hợp đã áp dụng kỹ thuật ICSI phối hợp hỗ trợ hoạt hóa noãn bằng calcium ionophore.

Kỹ thuật hỗ trợ hoạt hóa noãn (assisted oocyte activation)
Hỗ trợ hoạt hóa noãn (AOA) kết hợp với ICSI là kỹ thuật nuôi cấy noãn trong môi trường đặc biệt có bổ sung calcium ionophore, sau khi đã tiêm tinh trùng vào noãn. Mục đích của kỹ thuật này là tăng hoạt hóa noãn bằng yếu tố nhân tạo, tương tự trong sinh lý thụ tinh bình thường, để cải thiện tỉ lệ thụ tinh và cải thiện chất lượng phôi. Các báo cáo trên thế giới đều cho thấy với kỹ thuật hoạt hóa noãn, tỉ lệ thụ tinh của noãn sau khi tiêm tinh trùng đầu tròn và tỉ lệ có thai sau chuyển phôi đạt được gần như với tinh trùng bình thường.
Ngoài hiệu quả đối với điều trị cho các trường hợp tinh trùng đầu tròn, kỹ thuật ICSI kết hợp AOA còn tăng hiệu quả điều trị cho các trường hợp bất thường tinh trùng nặng khác. 

Áp dụng kỹ thuật AOA ở Việt Nam
Từ năm 2011, Trung tâm nghiên cứu Di truyền và sức khỏe sinh sản (CGRH, thuộc Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM.) đã thực hiện đề tài cấp Đại học Quốc gia TPHCM. về kết hợp ICSI với AOA đề cải thiện kết quả điều trị cho các trường hợp bất thường tinh trùng nặng. Kết quả cho thấy việc áp dụng ICSI kết hợp với AOA đã giúp cải thiện tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ có thai trên bệnh nhân bất thường tinh trùng nặng, trong đó có tinh trùng đầu tròn. Đề tài đã được nghiệm thu, báo cáo và đánh giá cao tại nhiều hội nghị quốc tế và khu vực. Đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện An Sinh là đơn vị phối hợp với CGRH để thực hiện đề tài này.
Đề tài nghiên cứu này cũng đã được báo cáo tại nhiều hội nghị trong nước, được giải 3 Giải thưởng Y học “Thành tựu” năm 2012. Kỹ thuật AOA cũng đã được triển khai áp dụng đến nhiều trung tâm TTTON khác trong cả nước từ năm 2012 đến nay.

HMT
Nguồn: http://drtuong.wordpress.com/2014/09/22/tinh-trung-dau-tron/