Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

CHUYỂN PHÔI TRỮ

Trong chu kỳ chuyển phôi trữ, bệnh nhân không phải thực hiện lại quá trình kích thích buồng trứng. Việc điều trị chỉ bao gồm chuẩn bị niêm mạc tử cung để đón nhận phôi.

Có nhiều phương pháp khác nhau để chuẩn bị niêm mạc tử cung trong chu kỳ chuyển phôi trữ. Tùy trường hợp, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp thích hợp cho bạn. Trong những phương pháp điều trị, phổ biến nhất là sử dụng nội tiết tố ngoại sinh. Phương pháp này dễ thực hiện, chi phí thấp, hiệu quả cao. 


Một chu kỳ chuyển phôi trữ cơ bản được thực hiện như sau:

Bước 1: Sử dụng estrogen

       Estrogen sẽ được sử dụng từ ngày 2 hoặc ngày 3 vòng kinh.
       Có thể sử dụng dạng uống, dạng đặt âm đạo, tiêm bắp hoặc dán qua da. Phổ biến nhất là viên uống.
       Estrogen sẽ kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung và ức chế sự rụng trứng tự nhiên.
       Sử dụng trước khi chuyển phôi trung bình 2-3 tuần.
       Bạn sẽ được hẹn siêu âm kiểm tra sau 6-7 ngày sử dụng và siêu âm theo dõi niêm mạc mỗi 3-5 ngày tùy vào sự phát triển niêm mạc tử cung.

Bước 2: Sử dụng progesterone

       Progesterone sẽ được sử dụng khi nội mạc tử cung đạt độ dày và hình ảnh thích hợp.
       Có thể sử dụng đường uống, tiêm hoặc đặt âm đạo. Khuyến cáo nên đặt âm đạo vì sẽ có tác dụng trực tiếp đến tử cung.
       Progesterone sẽ tạo nội tiết thích hợp cho sự làm tổ của phôi.
       Sử dụng 2-5 ngày trước chuyển phôi tùy giai đoạn của phôi trữ.

Bước 3: Rã đông phôi

       Vào ngày chuyển phôi (đã được thông báo trước), phôi được rã đông.
       Số phôi rã đông sẽ được cân nhắc để đảm bảo tỉ lệ thành công cao nhất và nguy cơ đa thai thấp nhất.

Bước 4: Chuyển phôi

       Trước chuyển phôi, bạn vẫn ăn uống bình thường.
       Chuyển phôi là thủ thuật nhẹ nhàng, bạn hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình chuyển phôi.
       Bạn có thể nằm nghỉ 30-60 phút sau chuyển phôi.

Bước 5: Sau chuyển phôi

       Bạn sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn uống thuốc và đặt thuốc (estrogen và progesterone).
       Bạn nên đi lại, sinh hoạt như bình thường, không nên nằm bất động vì sẽ làm giảm tỉ lệ có thai và tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.

Bước 6: Thử thai

       Bạn sẽ thử thai 12-14 ngày sau chuyển phôi.
       Thử thai là xét nghiệm nồng độ beta-hCG để biết kết quả có thai hay không.
       Một số trường hợp có thể ra huyết trước ngày thử thai. Khi đó, bạn cần liên lạc ngay với bác sĩ điều trị và vẫn thực hiện xét nghiệm beta-hCG vì bạn vẫn có thể có thai.

Mọi loại thuốc sử dụng trong giai đoạn này cần có ý kiến hoặc chỉ định của bác sĩ điều trị.

Thứ Ba, 2 tháng 2, 2016

Những thuật ngữ thường gặp trong điều trị hiếm muộn

Vô sinh nguyên phát: cặp vợ chồng không thể có con sau một năm giao hợp không bảo vệ (hoặc sáu tháng nếu người vợ trên 35 tuổi) hoặc không thể mang thai đến khi sinh, còn gọi là hiếm muộn nguyên phát.
Vô sinh thứ phát: tình trạng một cặp vợ chồng đã thụ thai hoặc đã phá thai, hoặc đã có con nhưng đang gặp khó khăn trong việc có thêm một em bé nữa, còn gọi là hiếm muộn thứ phát.
Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản: Một loạt các kỹ thuật được sử dụng để giúp bệnh nhân có thai mà không qua quan hệ tình dục, bao gồm thụ tinh ống nghiệm (IVF), tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI), vi phẫu trích tinh trùng từ mào tinh (MESA) và vi phẫu trích tinh trùng từ tinh hoàn (TESE).
Độ di động của tinh trùng: tỷ lệ phần trăm của các tinh trùng di động trong mẫu tinh dịch.
Lạc nội mạc tử cung: bệnh lý khi các tế bào bình thường phát triển trong khoang tử cung lại phát triển bên ngoài tử cung, ví dụ trong ống dẫn trứng, buồng trứng, hoặc thậm chí bàng quang và ruột. Phần lớn chưa rõ nguyên nhân. Sẹo từ lạc nội mạc tử cung có thể gây hiếm muộn.
Suy buồng trứng: buồng trứng không đáp ứng với kích thích của nội tiết tố từ tuyến yên do buồng trứng bị phá hủy, buồng trứng dị dạng hoặc bệnh mạn tính như bệnh lý tự miễn, hoặc quá trình lão hóa.
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): sự mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến hình thành nhiều nang noãn nhỏ trong buồng trứng và không phóng noãn. Nếu không bổ sung progesterone, kinh nguyệt sẽ không đều hoặc vô kinh.
Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS): tình trạng buồng trứng phình to, cơ thể giữ nước và tăng cân, có thể xảy ra khi buồng trứng đáp ứng quá mức trong quá trình hỗ trợ sinh sản.
Chọc hút noãn: kỹ thuật sử dụng để thu nhận noãn từ nang buồng trứng trong thụ tinh trong ống nghiệm. Chọc hút được thực hiện qua ngả âm đạo bằng cách sử dụng ống tiêm chuyên dụng dưới hướng dẫn của siêu âm để xác định vị trí các nang trong buồng trứng.
Chuyển phôi: kỹ thuật đưa phôi vào buồng tử cung sau khi noãn đã được thụ tinh bên ngoài cơ thể tạo thành phôi trong phòng thí nghiệm.
Chuyển phôi nang: kỹ thuật nuôi cấy phôi trong khoảng 5 hoặc 6 ngày để đạt đến giai đoạn phôi nang trước khi chuyển vào buồng tử cung cho phôi làm tổ.
Hỗ trợ phôi thoát màng: kỹ thuật khoan một lỗ nhỏ trên màng bảo vệ của phôi bằng thiết bị laser hoặc rửa phôi bằng dung dịch có tính axit loãng để hỗ trợ phôi thoát màng và làm tổ vào buồng tử cung.
(Theo “Mỗi bước là một bước gần hơn đến thành công” – HOSREM)

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2016

Hiểu đúng về thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp điều trị hiếm muộn hiệu quả, tỷ lệ thai trung bình tại Việt Nam khoảng 35-40%. Ước tính đã có trên 25.000 em bé đã ra đời từ kỹ thuật này.
Thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật lấy noãn và tinh trùng kết hợp với nhau ở ngoài cơ thể, tạo thành phôi. Phôi được nuôi từ 2 đến 5 ngày sau đó chuyển vào trong buồng tử cung của người vợ. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật này từ 30% đến 40%. 
Tại Việt Nam, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bắt đầu được thực hiện vào năm 1997.

Chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm
Những người thuộc một trong 3 nhóm nguyên nhân hiếm muộn dưới đây sẽ được chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm:
- Nguyên nhân hiếm muộn từ người vợ như tổn thương tắc, ứ dịch vòi trứng, lạc nội mạc tử cung hay rối loạn phóng noãn sau khi thất bại bơm tinh trùng nhiều lần.
- Nguyên nhân hiếm muộn từ người chồng như tinh trùng ít, yếu và dị dạng hoặc không có tinh trùng.
- Hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân và đã bơm tinh trùng nhiều lần thất bại.

Một bước trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm. Ảnh: M.Đ

Quy trình làm thụ tinh trong ống nghiệm
1. Xét nghiệm đánh giá khả năng sinh sản

Xét nghiệm vợ
- Xét nghiệm nội tiết
Xét nghiệm nội tiết là xét nghiệm định lượng nồng độ các loại nội tiết sinh dục trong máu như FSH, LH, estradiol, testosterone, SHBG nhằm đánh giá tình trạng nội tiết của buồng trứng và các cơ quan có liên quan đến hoạt động sinh sản. Đây là một trong những xét nghiệm góp phần chẩn đoán số lượng noãn còn lại trong buồng trứng cũng như tiên lượng đáp ứng của buồng trứng với thuốc kích thích trong trường hợp sẽ làm thụ tinh trong ống nghiệm hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
Thời gian gần đây, AMH (anti-Mullerian hormone) được xem là một xét nghiệm nội tiết chính xác hơn và có thể thay thế cho FSH, LH và estradiol trong đánh giá dự trữ buồng trứng. Nếu như FSH, LH và estradiol cần được xét nghiệm vào những ngày đầu của chu kỳ kinh - từ ngày 1 đến ngày 5, AMH có thể được tiến hành vào bất kỳ thời điểm nào của chu kỳ kinh.
- Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Thông thường, tất cả bệnh nhân đến khám hiếm muộn đều được cho thực hiện các xét nghiệm máu về HIV, viêm gan siêu vi B, giang mai và Chlamydia trachomatis.
Chlamydia trachomatis là một loại vi khuẩn có thể được lây truyền qua đường tình dục. Đối với đa số các phụ nữ, Chlamydia trachomatis tự khỏi và không để lại di chứng. Tuy nhiên, với một số trường hợp khác, sự viêm nhiễm có thể lan lên tử cung và hai vòi trứng, làm tăng nguy cơ hiếm muộn do tổn thương vòi trứng. Do đó, xét nghiệm tầm soát Chlamydia thường được phối hợp với các xét nghiệm khác trong chẩn đoán các tổn thương do vòi trứng.       
- Siêu âm phụ khoa, đếm nang noãn trên buồng trứng
Siêu âm phụ khoa qua ngả âm đạo giúp phát hiện các bất thường về phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, các bất thường bẩm sinh của đường sinh dục (tử cung đôi, tử cung 2 sừng, tử cung có vách ngăn, không có tử cung,…), buồng trứng dạng đa nang.
Trong khám hiếm muộn, siêu âm phụ khoa cũng nên được tiến hành vào những ngày đầu của chu kỳ kinh, không những để chẩn đoán các bất thường nêu trên mà còn giúp đếm số nang noãn có trên buồng trứng. Siêu âm đếm nang noãn cũng là một yếu tố cận lâm sàng giúp đánh giá số trứng còn lại trên buồng trứng và tiên lượng đáp ứng buồng trứng với thuốc kích thích buồng trứng.

Xét nghiệm chồng
- Tinh dịch đồ
Tinh dịch đồ là một xét nghiệm đơn giản, chi phí chấp nhận được, đồng thời cung cấp nhiều thông tin quan trọng trong chẩn đoán và điều trị. Mẫu tinh dịch được lấy bằng cách thủ dâm sau 2-7 ngày kiêng quan hệ tình dục. Lấy tinh dịch khi kiêng quan hệ dưới 2 ngày thường cho kết quả với số lượng tinh trùng ít. Ngược lại, khi kiêng quan hệ quá lâu sẽ làm cho tỷ lệ phần trăm tinh trùng di động giảm. Mẫu tinh dịch phải được chứa trong một dụng cụ đặc biệt, được làm bằng chất liệu không độc cho tinh trùng.
Thông qua kết quả tinh dịch đồ, bác sĩ sẽ đánh giá về chất lượng của mẫu tinh dịch được xét nghiệm: tinh trùng ít, tinh trùng yếu, tinh trùng bất thường hay không có tinh trùng. Ngoại trừ trường hợp không tinh trùng, tinh dịch đồ không giúp khẳng định khả năng sinh sản của bệnh nhân, chỉ mang tính chất gợi ý. Chất lượng tinh trùng có thể thay đổi giữa các lần làm tinh dịch đồ khác nhau.
Trong năm 2010, Tổ chức Y tế Thế giới đã chuẩn hóa và đưa ra tiêu chuẩn tối thiểu của một tinh dịch đồ bình thường:
Thể tích ≥ 1,5 ml.
- Mật độ tinh trùng ≥ 15 triệu/ml.
- Tổng số tinh trùng ≥ 39 triệu.
- Tỷ lệ tinh trùng di động tiến tới ≥ 32%.
- Hình dạng bình thường của tinh trùng ≥ 4%.
Các xét nghiệm khác
Người chồng cũng được làm xét nghiệm tầm soát các bệnh lây truyền qua đường tình dục như viêm gan, HIV, giang mai. Đối với trường hợp không có tinh trùng, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện tiếp các xét nghiệm chuyên biệt khác như định lượng nội tiết sinh dục trong máu (FSH, LH, Testosterone), siêu âm bìu, siêu âm qua ngả trực tràng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể được mổ sinh thiết tinh hoàn trước khi có quyết định điều trị.

2. Xét nghiệm tiền mê
Bệnh nhân được xét nghiệm máu, nước tiểu, đo điện tim, X-quang phổi giúp đánh giá thể trạng trước khi thực hiện thủ thuật chọc hút noãn và mang thai.

3. Kích thích buồng trứng
Kích thích buồng trứng được thực hiện tùy từng trường hợp cụ thể. Thời gian kích thích buồng trứng có thể thay đổi từ 2 tuần đến 4 tuần lễ, tùy bệnh nhân được áp dụng phác đồ tiêm thuốc ngắn ngày hay dài ngày.
- Siêu âm nang noãn và định lượng nội tiết
Số lượng nang noãn và tốc độ phát triển nang noãn trong các chu kỳ có kích thích buồng trứng phụ thuộc vào loại thuốc và phác đồ kích thích buồng trứng được sử dụng. Siêu âm giúp đánh giá số lượng và sự phát triển của nang noãn, từ đó giúp điều chỉnh liều lượng thuốc kịp thời để đạt được sự đáp ứng buồng trứng tối ưu và giảm thiểu các biến chứng có thể có. Trong quá trình kích thích buồng trứng, bệnh nhân sẽ được siêu âm nang noãn từ 2 đến 3 lần. Khi nang noãn đạt kích thước 18-20 mm, bệnh nhân sẽ được tiêm hCG, thuốc giúp trưởng thành noãn và gây phóng noãn.
Song song quá trình siêu âm nang noãn, việc định lượng nội tiết cũng cần thiết trong quá trình theo dõi sự phát triển nang noãn. Định lượng estradiol (E2) thường được sử dụng trong quá trình theo dõi sự phát triển của nang noãn do có sự tương quan giữa nồng độ E2 trong máu và sự phát triển của nang noãn. Thông thường nồng độ E2 sẽ tăng gấp rưỡi hay gấp đôi ngày hôm trước dự báo nang noãn phát triển tốt.
Ngoài ra, định lượng nồng độ LH và progesterone cũng sẽ giúp tiên đoán về chất lượng của trứng. Thông thường nồng độ 2 chất này trong máu thường thấp trong quá trình kích thích buồng trứng. Nếu nồng độ LH và progesterone tăng cao có thể làm giảm chất lượng noãn, chất lượng phôi.

4. Chọc hút noãn
Bệnh nhân sẽ được chọc hút noãn khoảng 36-40 giờ sau tiêm hCG. Chọc hút noãn được thực hiện qua ngả âm đạo và bệnh nhân sẽ được gây tê tại chỗ và gây mê toàn thân. Bệnh nhân không ăn uống trước chọc hút trứng 4 giờ. Noãn sau khi được chọc hút sẽ được chuyển qua phòng labo để xử lý và kết hợp với tinh trùng người chồng để tạo thành phôi. Sau khi kết hợp trứng và tinh trùng tạo thành phôi, phôi sẽ được nuôi cấy trong ống nghiệm từ 2 đến 3 ngày hay 5 ngày trước khi chuyển vào buồng tử cung của người vợ.

5. Chuyển phôi
Phôi sau khi được nuôi trong ống nghiệm 2-3 ngày (hoặc 5 ngày) sẽ được chuyển vào buồng tử cung của người vợ. Số phôi chuyển tùy thuộc vào tuổi người vợ, nguyên nhân hiếm muộn, số chu kỳ thực hiện trước đó cũng như chất lượng hiện tại của phôi. Bác sĩ sẽ quyết định số phôi chuyển sao cho đạt tỷ lệ có thai cao nhất và giảm thiểu nguy cơ đa thai.
Thông thường chuyển trung bình khoảng 2-3 phôi với tỷ lệ thai đạt được khoảng 35-40%. Sau chuyển phôi bệnh nhân chỉ cần nằm nghỉ tại chỗ 1-2 giờ, sau đó có thể đi lại bình thường. Sau chuyển phôi, nếu còn phôi dư và tốt bệnh nhân sẽ được tư vấn trữ lạnh phôi để có thể sử dụng cho những chu kỳ sau. Bệnh nhân được dùng thuốc hỗ trợ cho quá trình làm tổ của phôi 2 tuần trước khi thử thai.

6. Thử thai
Thực hiện sau 2 tuần chuyển phôi. Bệnh nhân sẽ được định lượng beta-hCG trong máu. Nếu kết quả thử thai dương tính, bệnh nhân được hẹn siêu âm để xác định thai 3 tuần sau. Giá trị beta-hCG càng cao, khả năng đa thai càng cao.

7. Siêu âm thai
Siêu âm thực hiện sau 3 tuần nếu kết quả beta-hCG dương tính. Siêu âm nhằm xác định chính xác có thai hay không, số lượng thai và tình trạng thai.

Những điều nên và không nên làm khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm
- Chế độ dinh dưỡng
Bệnh nhân ăn uống bình thường, không cần kiêng cữ bất cứ thức ăn gì trong quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi. Những bệnh nhân có nguy cơ quá kích buồng trứng nên ăn nhiều chất đạm (thịt, cá) và uống nhiều nước có thể giúp giảm nhanh tình trạng quá kích buồng trứng.
- Lối sống
Người chồng không nên hút thuốc lá vì có thể ảnh hưởng lên chất lượng tinh trùng, từ đó ảnh hưởng lên chất lượng của phôi và kết quả có thai. Người vợ không làm việc nặng cũng như không tập những môn thể thao nặng trong quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi. Quan hệ vợ chồng nên tránh trong giai đoạn kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi.


Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

CHƯƠNG TRÌNH ƯƠM MẦM HẠNH PHÚC LẦN II, 2015-2016

Hồ sơ đăng ký tham gia ƯƠM MẦM HẠNH PHÚC LẦN II, 2015-2016 bao gồm:


1. Mẫu đăng ký tham gia chương trình
2. Tóm tắt bệnh án của bác sĩ điều trị (không cần đóng dấu bệnh viện)
3. Bản photo các kết quả xét nghiệm (thực hiện trong vòng 3 tháng, theo “Tiêu chuẩn tham gia”)
4. Bản photo chứng minh nhân dân của cả 2 vợ chồng và giấy đăng ký kết hôn
5. Giấy xác nhận thuộc diện gia đình khó khăn do Ủy ban Nhân dân phường/xã xác nhận 

Nội dung chương trình:



Tiêu chuẩn tham gia:

Mẫu đăng ký tham gia:


Mẫu tóm tắt bệnh án:






Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho vợ chồng hiếm muộn

30 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn
sẽ được Bệnh viện Mỹ Đức (TP HCM) hỗ trợ chi phí thụ tinh ống nghiệm. 

Chương trình từ thiện “Ươm mầm hạnh phúc” lần hai bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1 đến 10/12. Điều kiện tham gia là các cặp vợ chồng chưa có con, đã có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm mà chưa đủ điều kiện kinh tế thực hiện hoặc đã thất bại một chu kỳ. Người vợ dưới 37 tuổi, không mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, không có tổn thương ở buồng trứng, tử cung bình thường và ống dẫn trứng không ứ dịch. Người chồng cần có từ một triệu tinh trùng di động trong tinh dịch trở lên.
Các cặp vợ chồng muốn tham gia chương trình cần có xác nhận hộ nghèo từ địa phương, giấy tóm tắt bệnh án từ bác sĩ của cơ sở y tế đang điều trị hiếm muộn. Chương trình tài trợ chi phí quá trình thụ tinh ống nghiệm, không hỗ trợ việc đi lại, ăn ở, khám sàng lọc... Chi phí sẽ được hỗ trợ từ khi bắt đầu điều trị cho đến khi bệnh nhân có thai 7 tuần (siêu âm thấy túi thai) hoặc khi đã sừ dụng hết phôi trữ lạnh sau lần làm thụ tinh trong ống nghiệm. 

Số phôi còn trữ lạnh sau khi sinh em bé sẽ được xử trí theo đề xuất của bệnh viện và chọn lựa của các cặp vợ chồng.
thu-tinh-trong-ong-nghiem-mien-phi-cho-vo-chong-hiem-muon
Bác sĩ đang thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: M.Đ


Các hồ sơ thông qua 2 vòng xét duyệt bởi hội đồng chuyên môn và bắt đầu quá trình điều trị từ ngày 22/12. Trường hợp có nhiều hơn 30 hồ sơ đạt yêu cầu, hồ sơ được chọn dựa trên hai yếu tố là đủ điều kiện tham gia chương trình và theo thứ tự thời gian nhận hồ sơ. 

Chương trình "Ươm mầm hạnh phúc" lần thứ nhất bắt đầu từ cuối năm 2014, thực hiện điều trị thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí hoàn toàn cho 30 trường hợp. Trong 30 trường hợp được theo dõi điều trị, đã có 16 ca có thai, một trường hợp có thai tự nhiên sau chọc hút trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm. Trong đó có 8 thai phụ sinh em bé khỏe mạnh, 8 trường hợp còn lại thai đã trên 4 tháng tuổi và phát triển tốt. Bé gái đầu tiên của chương trình chào đời vào ngày 28/8 tại Hà Nội.
Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 80 triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề về hiếm muộn. Tại Việt Nam, ước tính có gần một triệu cặp vợ chồng gặp vấn đề khó khăn trong việc mang thai tự nhiên. Hai phương pháp điều trị hiếm muộn phổ biến hiện nay là bơm tinh trùng vào buồng tử cung, hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm.
Thụ tinh trong ống nghiệm là kỹ thuật thường được dùng trong trường hợp tắc 2 ống dẫn trứng, tinh trùng bất thường nặng (thậm chí không có tinh trùng), thụ tinh nhân tạo thất bại nhiều chu kỳ… Với kỹ thuật này, người vợ được tiêm thuốc để kích thích buồng trứng. Khi các nang noãn đạt đến kích thước nhất định, noãn sẽ được chọc hút ra ngoài và kết hợp với tinh trùng chồng để thành phôi. Khoảng 2-3 ngày sau khi lấy noãn ra ngoài, phôi được chuyển vào buồng tử cung. Các phôi dư còn lại, nếu chất lượng tốt, sẽ được trữ lạnh để sử dụng sau này.
Tổng thời gian để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm trung bình 2-4 tuần. Chi phí tại Việt Nam ước tính là 50-60 triệu đồng cho một chu kỳ điều trị, thấp hơn khoảng 3-5 lần so với thực hiện tại nước ngoài. Hiện nay, cơ hội thành công của một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trung bình khoảng 40%, có thể thay đổi tùy theo từng bệnh nhân.
Địa chỉ nhận hồ sơ: 
Bệnh viện Mỹ Đức, số 4 Núi Thành, Phường 13, Quận Tân Bình, TPHCM, gửi qua đường bưu điện từ ngày 1 đến 10/12. 

Hội đồng chuyên môn gồm: 
Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM; 
Tiến sĩ Huỳnh Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM; 
Thầy thuốc ưu tú Trịnh Viết Tín, Giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức; 
Thạc sĩ Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng đơn vị Hỗ trợ sinh sản Mỹ Đức.

Liên hệ chương trình:
Email info.ivfmd@gmail.com 
 https://www.facebook.com/IVFMD.Vietnam

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2015

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY HIẾM MUỘN NAM



Hãy nhớ rằng bạn không phải là trường hợp cá biệt và hiếm muộn không phải là lỗi của riêng ai. Cứ 10 cặp vợ chồng lại có 1 cặp khó khăn trong việc có con. Hiếm muộn nam được chẩn đoán là nguyên nhân chính trong khoảng 25% trường hợp và là nguyên nhân phụ trong 15-25% trường hợp còn lại. Ở nam giới, vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến khả năng sinh sản là sản xuất đủ tinh trùng với hình dạng bình thường và có khả năng di động. Dưới đây là một số vấn đề thường gặp mà nam giới phải đối mặt.

1. Quai bị
Mắc bệnh quai bị sau tuổi dậy thì có thể gây hại cho các tế bào sản xuất tinh trùng trong tinh hoàn. Trong hầu hết trường hợp, chỉ có một tinh hoàn bị ảnh hưởng. Một số trường hợp khác, người bệnh có thể vô sinh vĩnh viễn.

2. Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng tĩnh mạch xung quanh tinh hoàn bị giãn do máu không lưu thông bình thường ra khỏi tinh hoàn được. Máu ứ lại làm tăng nhiệt độ ở tinh hoàn, có thể gây cản trở việc sản xuất tinh trùng.

3. Tinh hoàn ẩn
Khi bé trai phát triển trong tử cung người mẹ, tinh hoàn được hình thành ở ổ bụng và di chuyển xuống bìu một thời gian ngắn trước khi sinh. Khi việc di chuyển này không xảy ra, bé trai sinh ra sẽ có tinh hoàn ẩn. Thông thường, tinh hoàn sẽ di chuyển xuống bìu vào tháng thứ sáu của thai kỳ. Nếu không điều trị, tinh hoàn ẩn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hoặc dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.
·         Thiểu tinh (oligospermia) là tình trạng sản xuất rất ít tinh trùng
·         Vô tinh ( azoospermia) là tình trạng hoàn toàn không sản xuất tinh trùng.

4. Ung thư tinh hoàn
Ung thư tinh hoàn đôi khi được phát hiện khi cặp vợ chồng đến khám hiếm muộn. Một khối u ác tính phát triển trong tinh hoàn có thể phá hủy mô tinh hoàn. Nếu không được phát hiện sớm, ung thư cũng có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.

5. Tiểu đường
Tiểu đường đã được chứng minh có ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng

6. Phẫu thuật hay chấn thương
Chấn thương tinh hoàn nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng và dẫn đến vô sinh. Chấn thương do chơi thể thao hoặc tai nạn có thể làm máu không lưu thông đến tinh hoàn. Ngoài ra, phẫu thuật chữa trị tinh hoàn ẩn hoặc thoát vị có thể ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng của nam giới.

7. Bất thường mào tinh và đường dẫn tinh trùng
Ở một số ít nam giới, tinh dịch xuất vào âm đạo trong khi giao hợp không chứa tinh trùng. Điều này có thể là do tắc nghẽn hoặc dị tật mào tinh và đường dẫn tinh trùng, ngăn cản tinh trùng kết hợp với dịch lỏng tạo thành tinh dịch.

8. Nhiệt độ cao
Nhiệt độ cao có thể là yếu tố bất lợi đến việc sản xuất tinh trùng. Ngâm mình trong nước nóng lâu có thể làm tăng nhiệt độ tinh hoàn và làm suy yếu tạm thời khả năng sản xuất tinh trùng.

9. Căng thẳng, mệt mỏi hoặc uống rượu
Làm việc quá sức, lo lắng và sử dụng thức uống có cồn ảnh hưởng tiêu cực đến ham muốn tình dục. Cho đến gần đây, hầu hết các trường hợp bất lực được cho là do yếu tố tâm lý. Tuy nhiên, hiện nay liệu pháp điều trị tâm lý đã được áp dụng và thành công rộng rãi.


Đôi khi, các cặp vợ chồng từ bỏ giấc mơ về một đứa con trước khi dành đủ thời gian điều trị. Áp lực khi đối mặt với những khó khăn nhiều lúc quá lớn. Vì vậy, hãy tổ chức lại cuộc sống của bạn để có thể cân bằng, thoải mái trong những tháng điều trị sắp tới. Bạn có thể sử dụng “Kế hoạch hàng tuần” để bắt đầu.

(Theo "Mỗi bước là một bước gần hơn đến thành công")

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

ĐIỀU GÌ LÀM PHỤ NỮ KHÓ CÓ CON?


1. Rối loạn phóng noãn

Chu kỳ buồng trứng bình thường phức tạp đến nỗi một thay đổi nhỏ cũng có thể phá vỡ chu kỳ và cản trở quá trình phóng noãn. Trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân gây rối loạn phóng nõa là mất cân bằng nội tiết tố, tức là cơ thể sản xuất nội tiết không đủ hoặc không đúng lúc. Khi bạn tăng cân hoặc giảm cân quá nhiều cũng có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phóng noãn bình thường.

2. Bất thường ống dẫn trứng

Tổn thương ống dẫn trứng có thể ngăn cản tinh trùng tiếp cận với noãn. Nguyên nhân có thể bao gồm:
- Viêm ống dẫn trứng
- Thai ngoài tử cung trước đó
- Sẹo sau phẫu thuật ống dẫn trứng
- Sự phát triển bất thường của các tế bào nội mạc tử cung bên ngoài tử cung, còn gọi là lạc nội mạc tử cung.

3. Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là hiện tượng các tế bào bình thường lót bên trong buồng tử cung lại phát triển tại các khu vực ngoài tử cung như ống dẫn trứng, buồng trứng, hoặc thậm chí là bàng quang, ruột và ảnh hưởng đến các cơ quan này. Nguyên nhân gây ra lạc nội mạc tử cung đến nay vẫn chưa rõ.

4. Thay đổi ở tử cung hoặc cổ tử cung

Tinh trùng có thể không gặp noãn được nếu có sẹo sau phẫu thuật, tình trạng viêm nhiễm hoặc khối tắc nghẽn làm hẹp cổ tử cung. Chẳng hạn một nhân xơ tử cung (khối u lành tính trong tử cung) có thể dẫn đến hiếm muộn hoặc gây sẩy thai liên tiếp.

5. Dị tật cơ quan sinh sản

Trong một số ít trường hợp, vô sinh xảy ra do bất thường bẩm sinh cơ quan sinh sản, như dị dạng hoặc bất thường về kích thước của tử cung, ống dẫn trứng, âm đạo hoặc nhiều bất thường kết hợp với nhau.

6. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Là tình trạng rối loạn nội tiết bên trong buồng trứng có nhiều năng nhỏ. Trong hầu hết trường hợp, những người bị hội chứng này thường có nồng độ nội tiết tố nam khá cao và có rối loạn phóng noãn.

7. Rối loạn hệ thống miễn dịch

Trong một số trường hợp dù khá hiếm hoi, cơ thể có thể tấn công noãn hoặc tinh trùng như “tác nhân ngoại lại” xâm nhập vào cơ thể.

(Theo "Mỗi bước là một bước gần hơn đến thành công")